Giải đáp khi nào cần hàn răng và hàn răng được bao lâu?
Hàn răng là phương pháp điều trị nha khoa tương đối đơn giản, an toàn và nhanh chóng. Vì thế mà nhiều người lựa chọn phương pháp này để khôi phục lại răng bị tổn thương.
Tuy nhiên, cũng không ít người băn khoăn liệu có nên đi hàn răng không và hàn răng được bao lâu, có bền hay không.
Hãy cùng Sea Dental tìm hiểu rõ hơn về quá trình hàn răng và tuổi thọ của răng hàn trong bài viết sau.
Hàn răng là gì?
Hàn răng (hay còn gọi là trám răng) là quá trình bù đắp khoảng trống và lấp đầy phần mô răng bị khuyết do sâu răng gây ra. Điều này giúp tái tạo lại hình dáng và kích thước ban đầu cho răng mà không xâm lấn hay ảnh hưởng đến cấu trúc răng.
Không chỉ giúp khôi phục hình dạng của răng, hàn răng còn duy trì độ thẩm mỹ và chức năng ăn nhai. Bên cạnh đó cũng phòng ngừa các bệnh lý về răng như sâu răng, viêm tủy răng,…
Quy trình hàn răng
Về cơ bản, quy trình hàn răng sẽ được tiến hành theo các bước dưới đây.
Thăm khám và tư vấn
Trước tiên, nha sĩ sẽ tiến hành thăm khám để xác định tình trạng răng của bạn và xem có thực sự phù hợp với việc hàn răng hay không. Nếu có, nha sĩ sẽ tư vấn chất liệu hàn trám và mức độ màu sắc phù hợp với răng cần được phục hồi.
Làm sạch lỗ sâu
Trước khi nạo bỏ khoang sâu, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ để đảm bảo quá trình thực hiện không đau, giúp bệnh nhân thoải mái nhất. Sau đó sẽ dùng các dụng cụ chuyên dụng để làm sạch hoàn toàn vết sâu. Điều này giúp loại bỏ hết các mô răng bị viêm nhiễm, các vi khuẩn có hại cũng như đảm bảo hiệu quả phục hình cao nhất và ngăn ngừa viêm nhiễm có thể xảy ra.
Tạo hình và gắn chất hàn
Bác sĩ sẽ tạo hình lại lỗ sâu để đảm bảo chất hàn có thể bám dính tốt trên mặt răng. Tiếp theo, đặt lớp lót đáy tùy thuộc vào độ sâu và rộng của lỗ sâu nhằm bảo vệ tủy răng và tránh cảm giác ê buốt. Sau đó tiến hành hàn răng, chất hàn được đặt vào và lấp đầy bên trong lỗ sâu.
Chỉnh sửa lại vết hàn
Sau khi thực hiện trám bít, bác sĩ sẽ chỉnh sửa lại vết hàn, bỏ phần hàn thừa để tạo hình dáng và kích thước của răng cũng như đảm bảo tính thẩm mỹ cho răng.
Trường hợp nào cần hàn răng?
Các trường hợp cần tiến hành hàn răng bao gồm:
- Sâu răng: Những lỗ sâu trên răng do vi khuẩn đục khoét có thể phá hoại tủy răng và lây lan sang những chiếc răng khác. Để tránh tình trạng này, cần làm sạch hốc răng bị sâu kết hợp với hàn răng bằng vật liệu nha khoa thích hợp.
- Mòn men răng: Trường hợp này cần hàn răng vì men răng khi bị hao mòn sẽ làm lộ lớp ngà răng, trở nên nhạy cảm với đồ nóng/lạnh và gây cảm giác ê buốt.
- Răng bị chấn thương: Những tai nạn bất ngờ có thể khiến răng bị vỡ, sứt mẻ, không còn được chắc chắn cũng như suy giảm chức năng. Răng sau khi hàn trám sẽ được tái tạo lại hình dáng ban đầu, đảm bảo thực hiện tốt chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ.
- Răng khiếm khuyết thẩm mỹ: Răng có thể có khiếm khuyết bẩm sinh như răng thưa, kẽ răng lớn,… Để giải quyết nhu cầu thẩm mỹ, chất liệu hàn Composite là lựa chọn tối ưu nhất.
Hàn răng được bao lâu?
Thông thường, tuổi thọ của miếng trám chỉ duy trì được khoảng 2 – 5 năm. Sau một thời gian sử dụng, miếng trám sẽ có mùi hôi, xỉn màu, bong bật và bệnh nhân sẽ phải hàn trám lại một lần nữa. Tuy nhiên, với những cải tiến và ứng dụng cao hiện nay, độ bền của mối hàn ngày càng tăng lên, có thể đến 15 – 20 năm tùy từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, hàn trám răng có bền hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố dưới đây.
Chất liệu hàn răng
Hiện nay, các loại chất liệu phổ biến được sử dụng để hàn răng là Composite và Amalgam. Về độ bền thì Amalgam sẽ có ưu thế hơn bởi có độ cứng cao, chịu mài mòn tốt, không bị méo mó, lệch lạc và thoải mái ăn nhai.
Kỹ thuật hàn răng
Hàn răng được bao lâu còn phụ thuộc vào kỹ thuật hàn răng mà bạn lựa chọn:
- Nếu chọn hàn răng trực tiếp bằng cách sử dụng vật liệu hàn đắp trực tiếp và tạo hình ngay trên răng thì độ bền thường chỉ duy trì được 2 – 3 năm là miếng hàn sẽ bị bong bật. Nếu bạn cẩn thận giữ gìn răng thì có thể tăng thêm một vài năm nhưng không đáng kể.
- Nếu chọn hàn răng gián tiếp bằng các phương pháp phức tạp hơn thì tuổi thọ miếng trám sẽ cao hơn. Sử dụng kỹ thuật đúc sẵn một miếng hàn ở bên ngoài, sau đó mới cho lên bề mặt răng và trám lại thì miếng trám sẽ có độ bền cao hơn, có thể lên đến 15 – 20 năm.
Tay nghề của bác sĩ
Tay nghề của bác sĩ là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng răng sau hàn. Dù quy trình hàn răng không quá phức tạp, nhưng nếu thực hiện không đúng kỹ thuật sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Do vậy, bạn cần tìm đến những cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao để đảm bảo an toàn, hiệu quả khi hàn răng.
Chăm sóc răng hàng ngày
Sau khi hàn răng, răng cần được bảo vệ và chăm sóc đúng cách. Nếu có cách giữ gìn đúng thì mối hàn càng bền, thời gian sử dụng càng gia tăng, không phải trám đi trám lại nhiều lần.
Lưu ý sau khi hàn răng
Để duy trì kết quả sau khi hàn răng được lâu dài hơn, bạn cần ghi nhớ một số lưu ý quan trọng dưới đây.
Không ăn nhai trong vòng 2 tiếng sau khi hàn răng
Răng sau khi hàn cần một khoảng thời gian để chất liệu trám có thể đông đặc và bám vào răng chắc chắn nhất. Nếu nhai, cắn ngay sau khi hàn răng có thể khiến vết hàn bị ảnh hưởng, thậm chí là bong tróc.
Nhai thức ăn ở bên đối diện vết trám răng
Ví dụ, bạn hàn trám ở bên trái thì lúc ăn nên nhai ở bên phải và ngược lại. Nên thực hiện trong 1 tuần đầu tiên để miếng hàn trám được cố định hoàn toàn.
Tham khảo thêm: CHIA SẺ NHỮNG TIPS LOẠI BỎ THỨC ĂN RƠI VÀO LỖ NHỔ RĂNG HIỆU QUẢ, AN TOÀN
Tránh đồ ăn quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh
Không dùng răng có vết trám cắn những vật cứng hoặc đồ ăn quá nóng, quá lạnh để răng không bị kích thích. Hạn chế sử dụng các loại đồ ăn, đồ uống có màu như cà phê, thuốc lá để tránh hỏng men răng và gây xỉn màu răng. Hãy ăn uống đồ mềm, giàu dinh dưỡng, các loại rau củ, trái cây,… để có lợi cho tình trạng răng miệng cũng như sức khỏe tổng thể của bạn.
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Để chăm sóc răng sau khi hàn trám, bạn cần chú ý:
- Đánh răng đều đặn ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.
- Nên sử dụng loại bàn chải lông mềm, đầu nhỏ.
- Quá trình chải răng cần làm kỹ nhưng với lực nhẹ nhàng, tránh tiếp xúc nhiều với khu vực mới hàn trám.
- Không dùng tăm mà nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các thức ăn thừa.
- Súc miệng bằng nước muối ấm sau mỗi lần đánh răng cũng có tác dụng sát khuẩn hiệu quả.
Hàn răng được bao lâu thì thăm khám nha sĩ định kỳ
Bạn nên thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ khoảng 6 tháng/lần sau khi hàn răng. Điều này giúp kiểm tra tình trạng vết hàn cũng như tình hình sức khỏe răng miệng tổng quát.
Nếu có những dấu hiệu bất thường sau khi hàn răng như ê buốt, đau nhức, vết trám có dấu hiệu bong tróc,… thì cần thông báo ngay với nha sĩ để tìm ra nguyên nhân và có phương án xử lý kịp thời.
Tổng kết
Ngày nay, kỹ thuật hàn răng ngày càng trở nên đơn giản, ít đau đớn và vật liệu hàn răng cũng tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hàn răng được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là thói quen chăm sóc răng miệng của bạn. Hy vọng qua bài viết của Sea Dental, bạn sẽ hiểu hơn về phương pháp hàn răng cũng như biết bảo vệ răng miệng sau khi hàn đúng cách.