BẢO VỆ RĂNG SAU ĐIỀU TRỊ TUỶ NHƯ THẾ NÀO?
Răng sau điều trị tủy rất dễ bị tổn thương, nếu không bảo vệ đúng cách sẽ làm răng hư hỏng nhanh hơn và dẫn dến mất răng. Vậy răng sau điều trị tủy cần chăm sóc thế nào? Nên bọc răng sứ hay trám răng? Cùng tìm hiểu ngay tại bài viết.
1. Vì sao răng chết đi sau điều trị tủy?
Tủy răng bao gồm các mạch máu và dây thần kinh, đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tổ chức và duy trì sự sống của răng, giúp cảm nhận và dẫn truyền các cảm giác từ bên ngoài thân răng như nóng lạnh, ê buốt, đau nhức…
Khi điều trị tủy, răng được loại bỏ phần tủy bị nhiễm trùng hay đã chết. Sau đó dù trám bít lại, phần mô răng lúc này vẫn sẽ yếu, giòn, dễ mẻ, vỡ và có thể bị gãy. Răng sẽ không còn cảm giác ăn nhai, cảm nhận được mùi vị, nhiệt độ thức ăn và không còn bất kỳ phản ứng nào với những kích thích từ bên ngoài.
Chữa tủy hay điều trị tuỷ là thủ thuật mà toàn bộ tủy răng gồm phần tủy bị bệnh và phần tủy còn lại phải được lấy đi hết. Cũng như các bộ phận khác trong cơ thể, khi không còn mạch máu và thần kinh thì tổ chức đó sẽ bị chết và răng cũng vậy.
2. Cách bảo vệ răng sau điều trị tủy
Sau khi điều trị tuỷ, khoảng trống của răng sẽ được làm sạch và phục hình mô răng bằng phương pháp trám răng hoặc bọc răng sứ. Tuy nhiên, việc trám bít bằng phương pháp trám răng chỉ là phương pháp tạm thời, không thể bảo vệ thân răng vững chắc lâu dài hay đảm bảo chức năng ăn nhai và thẩm mỹ cho hàm răng.
Bọc răng sứ cho răng đã điều trị tủy chính là giải pháp bảo vệ tốt nhất cho chiếc răng, tránh cho chúng khỏi những tác động không đáng có từ bên ngoài và kéo dài tuổi thọ của chiếc răng trên khuôn hàm.
Theo các chuyên gia, bọc răng sứ sau điều trị tủy cần thực hiện càng sớm càng tốt, để bảo vệ và duy trì lâu dài phần thân răng thật còn lại, giúp răng bền chắc hơn.
Một số lưu ý của bác sĩ trong việc chăm sóc và bảo vệ răng sứ sau khi bọc răng đã điều trị tủy:
* Chế độ ăn uống
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo ngọt, trà, cà phê, nước ngọt có gas, không hút thuốc lá… bởi chúng dễ gây xỉn màu răng sứ và là nguyên nhân gây ra các bệnh răng miệng.
- Hạn chế các loại thức ăn có chất dính như caramel, kẹo cao su, kẹo dẻo…
- Tránh các loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh. Bởi nhiệt độ thức ăn có thể làm tăng sự nhạy cảm của răng.
* Vệ sinh răng miệng
- Nên đánh răng sau các bữa ăn và nhất là trước khi đi ngủ. Nên lựa chọn loại bàn chải lông mềm và khi chải lưu ý chải nhẹ nhàng theo chiều dọc, xoay mà không chải theo chiều ngang.
- Sử dụng chỉ tơ nha khoa để vệ sinh răng miệng sau khi ăn một cách nhẹ nhàng để loại bỏ mảng bám đóng lại ở kẽ răng mà không tổn thương đến nướu.
- Khi chải răng bạn nên dùng ngón tay sạch mát xa quanh viền nướu của răng đã bọc răng sứ, nhằm kích thích sự lưu thông máu nơi đường viền nướu quanh đường viền mão răng.
* Tái khám định kỳ
Nên đến phòng khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để thăm khám lại tình trạng răng sứ cũng như khắc phục kịp thời những vấn đề răng miệng, phát hiện kịp thời các biến chứng sau khi điều trị tủy răng có thể xảy ra.